Thuyết trình về làng gốm Thanh Hà Hội An

Tọa lạc bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, làng gốm Thanh Hà ở Hội An có tuổi đời đã ngót 500 năm, nổi tiếng với những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp, từng được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản quốc gia”. Xin gửi đến các Anh/Chị bài “Thuyết trình về làng gốm Thanh Hà Hội An

LỊCH SỬ LÀNG GỐM THANH HÀ HỘI AN

Năm 1516, nghề gốm hình thành ở làng Thanh Chiêm, sau đó dời lên Nam Diêu (phường Thanh Hà ngày nay). Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân làng gốm Thanh Hà được gọi ra Huế, sung vào đội thợ lành nghề xây dựng cố cung. Có những người được phong hàm Chánh Ca, Bát Luyện.

Thời thịnh nhất phải kể đến những năm thế kỷ 17-18. Cùng nhịp với sự phát triển của cảng thị Hội An. Bấy giờ, nhà nhà dùng đồ gốm. Người làng nghề gốm Thanh Hà gánh gồng, trung chuyển từ vùng quê này ra tới Thừa Thiên. Đi khắp hang cùng ngõ hẻm đất Quảng – Đà. Nồi, ấm, khạp, chum vại… là những vật dụng quen thuộc từ vạt đất sét cuối sông Thu Bồn mà nên, vừa nhẹ lại vừa bền. Người làng còn làm ra ngói cong, gạch đỏ cung cấp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An và khu vực lân cận. Tiếng tăm làng gốm Thanh Hà cứ thế mà vang xa!

Về sau, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc. Làng gốm Thanh Hà có lúc tưởng chừng rơi vào quên lãng. Thế nhưng, với tâm huyết của một số nghệ nhân gắn bó cả cuộc đời với đất và lửa, gốm Thanh Hà dần được phục hồi. Đặc biệt, từ khi UNESCO công nhận đô thị cổ Hội An là “Di sản văn hóa thế giới”. Làng gốm Thanh Hà đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Gốm cũng chuyển mình thêm các sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt.

QUY TRÌNH SẢN XUẤT GỐM THANH HÀ

Theo nghệ nhân lâu năm ở làng gốm Thanh Hà. Từ khâu làm đất, lên bàn chuốt, qua đôi bàn tay nhào nặn trên chiếc bàn xoay, đến khi ra sản phẩm gốm Thanh Hà, đều tỉ mẩn, công phu. Nguyên liệu đất sét phải qua quá trình ủ để giữ độ ẩm. Sau đó nhồi, đánh cho đất chín rồi mới bắt đầu tạo hình. Có những sản phẩm gốm cầu kỳ, đòi hỏi đất mịn thì phải qua thêm công đoạn lọc đất 2 – 3 lần để loại sạch tạp chất…

– Gốm thành hình thì đem phơi nắng một ngày rồi làm nguội để tạo những hoa văn tự nhiên. Hoặc trang trí họa tiết theo yêu cầu. Cuối cùng mới đưa vào lò nung, canh củi lửa cho vừa, chỉ sơ suất một lúc cũng khiến cả mẻ thành gốm vụn.

Cho đến nay, làng gốm Thanh Hà vẫn sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống, trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá về nghề gốm cổ truyền của Hội An nói riêng và của Việt Nam nói chung.

THAM QUAN LÀNG GỐM THANH HÀ

Đến tham quan làng gốm Thanh Hà, là dịp để du khách hiểu hơn về nghề truyền thống lâu đời. Quan sát các công đoạn sản xuất gốm qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân trong làng, và còn có thể tự tay sáng tác các sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình, cũng như mua được những sản phẩm gốm ưa thích tận gốc.

Đặc biệt từ năm 2015, Công viên Đất nung Thanh Hà (còn gọi là Công viên gốm Thanh Hà hay Bảo tàng gốm Thanh Hà) chính thức đi vào hoạt động với diện tích hơn 6.000m2, cấu thành bởi gạch và đất nung, được đánh giá là lớn nhất và “độc” nhất cả nước hiện nay, thường xuyên tổ chức các chương trình triển lãm đặc sắc.

Ngoài ra, hằng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch. Người dân làng gốm Thanh Hà lại trang trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ nghề tại khu miếu Nam Diêu. Nhằm tri ân công đức tổ tiên đã gầy dựng, truyền nghề cho con cháu. Phần lễ với rước kiệu Tổ nghề gốm, được bảo tồn hàng trăm năm qua. Phần hội với các trò chơi dân gian như thi chuốt gốm, tạo mẫu, nặn tò he, nấu cơm niêu, đập nồi, kéo co… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

GIÁ VÉ THAM QUAN

* Giá vé Làng gốm Thanh Hà : 15.000 vnđ/ người/ lượt. Mỗi vé có giá trị trong vòng 24 giờ. Miễn lệ phí hướng dẫn cho đoàn từ 8 khách trở lên. Liên hệ thuyết minh viên tại nơi bán vé. Giá vé bao gồm:

– Xem các nghệ nhân chuốt gốm
– Tham quan di tích tổ nghề gốm Miếu Nam Diêu
– Tham quan di tích Đình Xuân Mỹ
– Tham gia trổ tài chuốt gốm và nặn con thổi
– Được tặng một sản phẩm con thổi bằng gốm.

 

Chia sẻ bài viết