Già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% dân số và năm 2050 là 25% dân số
Tốc độ già nhanh
Theo Bộ Y tế, người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Giai đoạn “Già hóa dân số” là khi số người trên 65 tuổi chiếm từ 7% hoặc số người trên 60 tuổi chiếm từ 10% tổng dân số. Giai đoạn “dân số già” là khi số người trên 65 tuổi chiếm từ 14% tổng dân số hoặc khi số người trên 60 tuổi chiếm từ 20% tổng dân số. Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Dự báo thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam là 17 – 20 năm, ngắn hơn nhiều nước, kể cả những quốc gia có trình độ phát triển hơn. Vào năm 2040 dự báo số người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 18,4 triệu người, chiếm khoảng 17% dân số
Tình trạng già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2015 thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi, chiếm 12,3% dân số. Con số này sẽ tăng lên hơn hai tỉ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới
Các chuyên gia đánh giá, già hóa dân số – tuổi thọ trung bình của người dân cao phản ánh sự tiến bộ của y học và đời sống cải thiện nhưng chúng ta cũng cần thích ứng với già hóa dân số với các vấn đề cần có giải pháp về chính sách: Già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế, già hóa dân số với an sinh xã hội và chăm sóc y tế, các mô hình chăm sóc và phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng,… điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên các lĩnh vực kinh tế – Xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm,…
Thích ứng và phát triển
Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi với việc gia tăng bệnh không lây nhiễm và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đại diện Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đang chú trọng tăng cường hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển các mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Hiện đã có 32 tỉnh thành triển khai chương trình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có tư nhân tham gia xây dựng nhà dưỡng lão, đáp ứng nhu cầu của một số người cao tuổi
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y Tế), tuổi thọ của người cao tuổi Việt Nam đã được tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp. Năm 2016, Việt Nam có 10,1 triệu người cao tuổi chiếm 11% tổng dân số, trong đó có trên 2 triệu người trên 80 tuổi. Chính vì vậy, chính sách, giải pháp để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề được quan tâm. Hiện đang có các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, phát triển mô hình y học gia đình, đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên trong chăm sóc người cao tuổi
“Bên cạnh chăm sóc y tế, cần có chính sách phát huy tốt vai trò của người cao tuổi trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất”, các chuyên gia nhìn nhận