Y tế Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới

Từ một nền y tế thiếu và yếu về nhiều mặt, nay Việt Nam đã góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu.

Hiện cả nước có 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), lực lượng bác sĩ (BS) đạt tỷ lệ 8,2 BS/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; tuổi thọ người VN ngày càng nâng cao; các bệnh viện (BV) cũng ngày càng làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại.

Công nghệ 3D phẫu thuật và sửa chữa tim mạch

Mới đây, lần đầu tiên trên cả nước, các BS Trung tâm tim mạch BV E (Hà Nội) ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật và sửa chữa tim mạch. Những ưu điểm vượt trội của công nghệ 3D giúp các BS có thể phẫu thuật tim mạch chính xác, nhanh chóng và hiệu quả, giảm các biến chứng cho người bệnh.

“Trung tâm tim mạch BV E là cơ sở y tế đi đầu trong cả nước về kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ. Kỹ thuật này đã được BV E đại diện giới y khoa VN đưa đi giới thiệu trên thế giới và được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Cùng với đó là hệ thống máy nội soi 3D hiện đại nhất BV vừa được nhà nước đầu tư, đưa vào sử dụng”, GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E, chia sẻ.

Với tiến bộ trong phẫu thuật tim mạch, trong đó có công nghệ 3D, các bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ: chưa đầy 1 ngày sau mổ tim đã tỉnh táo, ra bệnh phòng và xuất viện sau 5 – 6 ngày. Các vết mổ chỉ là các vết sẹo nhỏ 1 – 1,5 cm ở các góc khuất cơ thể. Công nghệ 3D làm cho phẫu thuật trở nên vô cùng “thật”: phẫu trường rõ nét (quả tim, mạch máu, phổi…) giúp phẫu thuật viên tiến hành thao tác thuận lợi, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro. Đặc biệt, chi phí điều trị và phẫu thuật áp dụng công nghệ 3D không tăng thêm so với mổ nội soi toàn bộ thông thường.

Không chỉ ứng dụng vào phẫu thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ mà BV còn áp dụng công nghệ 3D cho nhiều bệnh lý khác: sửa chữa một số dị tật tim bẩm sinh, sửa van, thay van tim, lấy các khối u trong tim, phẫu thuật bệnh lý lồng ngực…

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết năm 2017 BV đưa vào phẫu thuật robot, hệ thống nội soi 3D, xây dựng quy trình ghép gan, thận, tim, xét nghiệm chẩn đoán… ngang tầm thế giới. Ngoài ghép thận, gan như là quy trình thường quy thì còn cả ghép tim. Ngày 26.2.2018 BV tiến hành ca ghép tim lần thứ 3 (ca đầu tiên năm 2015, ca thứ 2 năm 2016).

Ứng dụng ánh sáng trong phẫu thuật điều trị ung thư

Khoa Nội soi BV K (Hà Nội) cũng vừa áp dụng phương pháp chẩn đoán sớm ung thư dạ dày theo tiêu chuẩn của Hội Nội soi Nhật Bản. Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, phương pháp này sử dụng máy nội soi phóng đại cùng ánh sáng với dải băng tần hẹp (M-NBI) cho hình ảnh sắc nét ở mọi vị trí trên dạ dày, nhờ đó các BS nội soi đánh giá được hình thái bề mặt và cấu trúc vi mạch máu của niêm mạc dạ dày, từ đó đưa ra chẩn đoán sớm, chính xác hơn; dễ phát hiện tổn thương; cho phép sàng lọc và chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và giai đoạn rất sớm.

BV K cũng vừa áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị ung thư đại tràng theo phương pháp mới: ứng dụng chất nhuộm màu ICG cùng với hệ thống nội soi hiện đại. Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, kỹ thuật này giúp phẫu thuật viên cắt bỏ triệt để thương tổn, đồng thời bảo tồn những vùng chưa bị xâm nhiễm.

Mổ bằng robot
Mổ bằng robot

Còn tại TP.HCM, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết nổi bật của ngành y tế TP gần đây phải kể đến là BV Bình Dân triển khai hiệu quả phẫu thuật nội soi bằng robot. Sau hơn một năm triển khai, BV đã phẫu thuật thành công 284 trường hợp với đa số là những bệnh lý phức tạp về ung thư, hoặc mổ tạo hình phức tạp (tạo hình bệnh lý bẩm sinh đường tiết niệu trên…).

Một số kỹ thuật mới nổi bật khác của ngành y tế Việt Nam

Năm 2017, lần đầu tiên tại VN, BV Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM) áp dụng thành công điều trị thay khớp thái dương hàm cho bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương. Trong lĩnh vực nhi khoa, năm 2017, lần đầu tiên trong nước, BV Nhi đồng TP.HCM dùng kỹ thuật ô xy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO) để cứu sống bệnh nhi viêm cơ tim cấp nặng. BV Đại học Y Dược TP.HCM thì có thế mạnh trong lĩnh vực nội soi, đặc biệt là gan mật; ứng dụng điện cơ và siêu âm trong kỹ thuật tiêm Botulinum toxin trong điều trị bệnh thần kinh… BV Truyền máu – Huyết học (TP.HCM) vừa triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại VN…

Nguồn: Thanhnien.vn 

Chia sẻ bài viết