ĐÀO TẠO NGÀNH PHÁP LUẬT

Tên chương trình: Pháp Luật
Trình độ đào tạo: Trung cấp Chuyên nghiệp
Ngành: Luật
Hình thức đào tạo: Chính quy

I/ GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH

– Văn bằng sẽ được cấp khi tốt nghiệp: Sau khi kết thúc khóa học, người học được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy – Ngành Pháp luật theo quy định của Bộ Giáo dục vào Đào tạo.

– Những nhiệm vụ chính mà người tốt nghiệp có thể thực hiện được: Chương trình Trung cấp chuyên nghiệp Pháp Luật được thiết kế để đào tạo người học trở thành cán bộ Pháp luật làm tốt công tác Tư pháp ở cấp Xã, cán bộ làm việc trong cơ quan Thi hành án ở cấp Huyện, cấp Tỉnh, cán bộ tại các Văn phòng Luật sư, Văn phòng Công chứng, cán bộ tư vấn Pháp luật trong các Doanh nghiệp … Là người có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản trong lĩnh vực Luật; có khả năng phục vụ cho các cơ quan chính quyền cơ sở, cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan Tư pháp địa phương, các tổ chức chính trị, Chính trị – Xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn.

– Khái quát nội dung học tập (về lý thuyết, thực hành): Chương trình đào tạo cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản chung như Chính trị, Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục quốc phòng, Thể dục – Thể thao và các kiến thức nền tảng quan trọng về các ngành Luật cơ bản trong Hệ thống Pháp luật Việt Nam: Luật Hiến Pháp, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thương mại, Luật Hình sự … Bên cạnh đó, thông qua việc học môn Pháp luật tố tụng, người học nắm vững được trình tự giải quyết một vụ án dân sự, Hành chính, Hình sự theo đúng quy định của Pháp luật. Ngoài ra, những kiến thức của một số học phần kỹ năng như công tác Hộ tịch, Công chứng và chứng thực, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, xây dựng và soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật, soạn thảo các loại hợp đồng, công tác bầu cử ở cấp Xã, cấp huyện, … sẽ giúp cho người học thành thạo các nghiệp vụ Tư pháp.

– Những lợi ích của chương trình mang lại cho người học về việc làm, thu nhập, vị trí việc làm và cơ hội học tập nâng cao sau khi tốt nghiệp: có kiến thức và kỹ năng để đảm nhận các vị trí công tác như: Tư vấn Pháp lý, cán bộ Tư pháp Xã, Phường, Thị trấn,… Đồng thời, với những kiến thức đã được học, người học đủ điều kiện để tham gia học tập nâng cao trình độ Cao đẳng, Đại học chuyên ngành Luật.

II/ MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
2.1 Về kiến thức
     – Trình bày được một số vấn đề về Nhà nước và Pháp luật Viêt Nam, Tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, thẩm quyền và mối quan hệ giữa các cơ quan Tư pháp, Hành chính …
     – Giải thích được những quy định về các ngành Luật trong hệ thống Pháp luật Việt Nam.
     – Vận dụng những kiến thức, kỹ năng tác nghiệp chuyên môn chuyên sâu trong chương trình hẹp đối với các chức danh của cơ quan Tư pháp địa phương và cơ quan chính quyền cơ sở. 
      – Phân tích được những quy định của Pháp luật và áp dụng những quy định của Pháp luật vào công tác thực tế ở cơ sở.

2.2 Về kỹ năng

     – Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp luật cho các dối tượng quản lý.
     – Tổ chức các hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch, công tác chứng thực, hòa giải tại cơ sở; công tác bầu cử, quản lý địa giới hành chính …
     – Tham mưu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
     – Soạn thỏa văn bản Pháp luật, các loại hợp đồng đúng thẩm quyền, thủ tục, trình tự.
     – Khắc phục các hạn ché trong xử lý công việc hoặc các sai lầm trong áp dụng Pháp luật thực định.

2.3 Về thái độ nghề nghiệp

     – Trung thực, khách quan, tôn trọng, có ý thức tinh thần phục vụ nhân dân.
     – Luôn chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
     – Luôn tận tam với công việc.
   – Có động cơ nghề nghiệp đúng đắn, có đức tính cần cù chịu khó học tập và sáng tạo trong nghề nghiệp; khiêm tốn, trung thực và có ý thức phối hợp với đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cá nhân và nhiệm cụ chung của cơ quan, tổ chức.

III/ KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
– Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo: 

TT Nội dung Số tiết ĐVHT
1    Các học phần chung 390 20
2    Các học phần cơ sở 315 15
3   Các học phần chuyên môn 900 44
4   Thực tập nghề nghiệp 405 9
5   Thực tập tốt nghiệp 360 8
6   Thi tốt nghiệp    
– Tổng cộng  2.370 96.
IV/ ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

– Học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương.

V. QUY TRÌNH ĐÀO TẠO, ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP

Thực hiện theo Quy chế kiểm tra, thi, xét lên lớp và công nhận tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp hệ chính quy, ban hành theo Quyết đinh số: 04/2007/QĐ – BGD & ĐT ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VI/ THANG ĐIỂM

Điểm đánh giá bộ phận và điểm học phần được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), làm tròn đến phần nguyên.